Tuesday , 19 March 2024

Becamex IJC giảm vốn và chuyện “hậu trường”

Becamex IJC giảm vốn và chuyện “hậu trường”

Nghị quyết HĐQT của Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) vừa được thông qua. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất không phải là kết quả kinh doanh năm 2015 hay kế hoạch kinh doanh năm 2016, mà là kế hoạch giảm vốn điều lệ của công ty này.

Nếu muốn rút vốn, mà không ghi nhận lỗ, Becamex IJC chỉ có cách giảm vốn điều lệ. Ảnh: Tiên Giang

Nếu muốn rút vốn, mà không ghi nhận lỗ, Becamex IJC chỉ có cách giảm vốn điều lệ. Ảnh: Tiên Giang

Giảm vốn điều lệ – thiên biến vạn hóa

Theo Nghị quyết HĐQT Becamex IJC, Công ty đồng ý chủ trương giảm vốn điều lệtừ mức 2.742 tỷ đồng hiện tại xuống còn 1.350 tỷ đồng và giao cho Ban điều hành tiến hành thuê đơn vị tư vấn độc lập xây dựng phương án cụ thể.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định nói trên không được phía Công ty đưa ra. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Becamex IJC cho biết, cho đến khi tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2016 được công bố, Công ty sẽ không đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến quyết định giảm vốn điều lệ.

Thời gian gần đây nổi lên trào lưu các công ty chứng khoán hợp nhất với nhau để xóa lỗ lũy kế. Có thể kể đến các thương vụ như: Chứng khoán Hải Phòng và Chứng khoán Á Âu, Chứng khoán Phú Hưng và Chứng khoán An Thành…Nguyên tắc chung của các thương vụ này là cổ phần của 2 công ty sẽ được chuyển đổi thành cổ phần của một pháp nhân hoàn toàn mới. Pháp nhân này được thành lập dựa trên cơ sở chuyển toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của 2 công ty cũ. Vì phải xóa lỗ lũy kế, vốn điều lệ của pháp nhân mới sẽ thấp hơn ít nhất một trong 2 công ty cũ. Vốn điều lệ của một trong 2 công ty vì vậy đã được thu hẹp hoàn toàn hợp pháp.

Nhưng đấy là trường hợp các công ty này lỗ lũy kế. Nếu bằng lợi nhuận để bù đắp, có khi phải mất cả chục năm. Trong thời gian đó, không có cách nào công ty huy động được vốn cổ phần, hoặc chia cổ tức cho cổ đông… Hợp nhất, suy cho cùng cũng chỉ là một giải pháp “chữa cháy” cho những sai lầm, rủi ro trong quá khứ (dẫn đến việc làm ăn thua lỗ).

Giảm vốn khi vẫn duy trì lợi nhuận

Quyết định giảm vốn điều lệ được Becamex IJC đưa ra khi Công ty vẫn duy trì lợi nhuận đều đặn. Từ năm 2010 đến 2015, mỗi năm Công ty có lãi từ 160 -320 tỷ đồng. Đây không phải là con số quá xuất sắc đối với một doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng kết quả đó cho thấy Công ty chưa phải đối mặt với tình huống nào cấp bách.

Hơn thế nữa, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Becamex IJC năm 2015 đạt 91 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt từ mức thâm hụt 587 tỷ đồng năm 2014. Tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Becamex IJC đạt gần 60%. Trong đó, vay nợ ngắn và dài hạn tính đến cuối năm 2015 đạt 1.860 tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng tài sản Công ty tại cùng thời điểm. Ngoài ra, Becamex IJC cũng có khoản lợi nhuận chưa phân phối đạt 118 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Nói tóm lại, Becamex IJC không thua lỗ, không mất khả năng thanh toán, không thâm hụt vốn điều lệ.Vậy lý do nào đằng sau quyết định giảm vốn điều lệ của Becamex IJC?

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cho đến khi các doanh nghiệp trình phương án cụ thể, phía UBCKNN sẽ đưa ra những quyết định phù hợp. Hiện tại, chưa đủ thông tin để cơ quan chức năng này phát ngôn về quyết định “lạ thường” của Becamex IJC.

Becamex muốn rút vốn?

Becamex IJC hiện đang là công ty thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty TNHH MTV (Becamex) với tỷ lệ nắm giữ của Becamex lên tới gần 80%. Chính vì vậy, việc giảm tới 50% vốn điều lệ, không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của đơn vị chủ quản này. Không ngoại trừ trường hợp Becamex muốn rút bớt vốn khỏi Becamex IJC.

Trong trường hợp Becamex muốn rút vốn, nhưng giao dịch trên thị trường của cổ phiếu IJC quá èo uột, mong muốn của Becamex khó có thể thực hiện. Hơn nữa, cổ phiếu IJC đang được giao dịch xung quanh mức giá 7.200 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch 8/3/2016). Rút vốn với mức giá này có thể khiến Becamex phải ngay lập tức ghi nhận một khoản lỗ không nhỏ.

Nếu muốn rút vốn, mà không ghi nhận lỗ, chỉ có cách giảm vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc giảm vốn điều lệ của Becamex IJC ngay lập tức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của các cổ đông hiện tại của công ty này. Hiện các cổ đông nhỏ lẻ của Becamex IJC đang nắm giữ trên 20% cổ phần IJC và cần được bảo vệ quyền lợi.

Có thể hiểu đơn giản, Becamex IJC đang là của một loạt “ông chủ” là các cổ đông công ty. Những người chủ này đang phải chia đều gánh nặng tài chính, ví dụ nợ vay (tính trên mỗi cổ phần). Thay vì chuyển đổi cổ phần bằng cách mua bán, một/một vài người chủ nào muốn rút chân khỏi công ty, chắc chắn gánh nặng sẽ phải chia cho những người còn lại, và vì vậy có phần nặng nề hơn.

Cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ trong thương vụ của Becamex IJC quả không hề đơn giản.

Nguồn: Hồng Lam – BaoDauTu.vn

Xem thêm:

Becamex IJC giảm vốn: Liệu có suy yếu chăng?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *